Đâu có giặc là ta cứ đi

  02:10 PM 31/12/2020
Sáng sớm ngày 1 tháng mười hai, tôi uể oải nằm trên giường vì một đêm mất ngủ, có lẽ do các khớp xương đau nhức quá, do tuổi tác hay hoài cổ, suy nghĩ về việc nhà, việc đời... thì nghe âm vang từ bên doanh trại đơn vị công binh bài hát “Hành quân xa” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các giai điệu hùng tráng đầy quyết tâm của người lính Cụ Hồ đã làm tôi bật dậy, bước ra sân và tự nhiên cũng hát theo “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”…

“Đâu có giặc là ta cứ đi...”. Ôi, câu hát giản đơn chỉ có bảy từ mà tôi, bạn bè, đồng chí, đồng đội của tôi đã đi đến bất cứ nơi nào có bóng quân xâm lược dù đó là trên giải đất Việt Nam, đất nước Triệu Voi hay đất nước Chùa Tháp thân thương với bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để có câu hát đầy quyết tâm kiêu hãnh ấy. Sau khi ăn tết Mậu Tí (1948) ở Quân dân y viện chợ Chu, tôi được điều về phụ trách quân y đại đội 221, tiểu đoàn 79, trung đoàn 102 (còn gọi là trung đoàn Thủ đô) đại đoàn 308 (còn gọi là đại đoàn Quân tiên phong) cũng là lúc bắt đầu những cuộc “Hành quân xa” lên mặt trận đường số 4 đánh địch ở đồn Phủ Thông (Bắc Cạn), đồn Bản Ne, phục kích ở Lũng Phay thuộc tỉnh Lạng Sơn. Mùa hè 1948 lại quay sang đánh địch ở Đoan Hùng, Trạm Thản, Bình Ca sông Lô thuộc tỉnh Tuyên Quang. Mùa hè năm 1949 đơn vị hành quân tiếp sang mặt trận Sông Thao đánh địch ở Khe Phía, Ngòi Mác, Đồn Dóm, Phổ Ràng, thôn Mã Yên Sơn... Thu đông năm 1949 - 1950 hành quân lên mặt trận Lê Hồng Phong 1 đánh trận tiêu diệt đồn Phố Lu mở đầu “trận công kiên chiến” lớn đầu tiên của quân đội ta lúc đó. Thu đông năm 1950 - 1951 đơn vị tiếp tục hành quân sang mạn Cao Bằng, Lạng Sơn đánh địch ở Đông Khê, Thất Khê tiêu diệt 2 Binh đoàn Charton ở cao điểm 477 và Lepage ở Cốc Xá, giải phóng hoàn toàn biên giới, mở toang cánh cửa sang Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em. Những ngày tháng năm ấy đơn vị chúng tôi lúc nào cũng vui như hội. Tiếng hát, tiếng cười của những chàng lính trẻ Thủ đô đầy ắp không gian và chiến tranh cứ như đã lùi vào dĩ vãng. 

Tháng 4 - 1951 tôi được điều về phục vụ thương bệnh binh ở Phân viện 8 (tiền thân của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ) lúc đó đóng ở Đồng Càng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Cuộc sống tĩnh tại ở đây kéo dài tới cuối năm 1953 thì một số anh em y sĩ (Tiêu, Thuận, Chất), y tá (Đăng, Lưu, Hân, Nguyễn, Tính, Hậu, Phạn, Giờ, Hồng...) dưới quyền của bác sĩ Trần Bảo (Viện trưởng đầu tiên của Viện 108) được lệnh hành quân đi làm nhiệm vụ gấp. Ai cũng bất ngờ, chẳng ai kịp tranh thủ về thăm cha mẹ, vợ con, những người thân yêu nhất; cánh trẻ chúng tôi không còn những giây phút đợi chờ bên người yêu với những lời âu yếm, những cặp mắt đắm say thay cho bao lời nói nữa. Chờ cho chúng tôi hát xong bài “Hành quân xa”, bác sĩ Trần Bảo thân mật hỏi chúng tôi như người anh tâm sự với những đứa em. Các đồng chí đã kết thúc bài hát bằng câu “đâu có giặc là ta cứ đi”; vậy bây giờ bên đất bạn có giặc thì chúng ta có đi không? Chúng tôi đồng thanh hô: “Có!”, nhất định “đâu có giặc là ta cứ đi!” Ngay sáng sớm hôm sau, với chiếc ba-lô đã được cài lá ngụy trang nặng 30 kg trên lưng, chúng tôi hành quân từ Đồng Càng về qua Thái Nguyên xuống Đa Phúc sang Vĩnh Yên, lên Việt Trì, Phú Thọ ... leo qua Dốc Cun vào Thanh Hóa v.v cứ ngày đi đêm nghỉ, khoảng nửa tháng thì chúng tôi tới Xóm Trứng, khu rừng Thanh Lâm thuộc huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, lấy thêm một số dân công nữa để thành lập Bệnh viện dã chiến Trung Lào, có nhiệm vụ phục vụ cho mặt trận Trung - Hạ Lào (còn gọi là mặt trận D, một trong ba hướng quan trọng, phối hợp với hướng Tây Nguyên và hướng Trung du, đồng bằng Bắc bộ) trong chiến lược kìm chân, buộc địch phải dàn mỏng lực lượng đối phó không có thể bổ xung chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ khi chiến dịch Thượng Đình (bí danh của ĐBP) được bắt đầu. Lực lượng của ta ở đây gồm có Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, 2 Trung đoàn 101 và 18 của Đại đoàn 325 phối hợp với các đơn vị Pa-thét Lào (Neo Lào Hắc Sạt), dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Sâm Tư lệnh F304 và Thiếu tướng Trần Quý Hai tư lệnh kiêm Chính ủy F325. Thế là chúng tôi sắp bước vào trận chiến mới. Bao ước mơ, bao dự định đành gác lại. “Thôi nhé mẹ cha, gia đình hãy hết lòng thông cảm. Thôi nhé! Em yêu hãy để tình ta thêm lắng đọng, kéo dài theo những khúc quân hành”. Trước mắt chúng tôi là những kẻ thù mới. Chiến dịch bắt đầu đêm 23- 12-1953 bằng hàng loạt trận tiến công vào các đồn bốt và các khu vực then chốt của địch ở Trung Lào (Mụ Giạ, Ba-Na-Phào, Napê, Lạc Sao, Căm Cớt, Khăm He, Kha Ma...) diệt một loạt vị trí dọc đường chiến lược 12, nhanh chóng giải phóng Thị xã Nhom-ma-rát và Thà Kẹt, giải phóng hoàn toàn tỉnh Khăm Muộn với 4 vạn ki-lô mét vuông và hàng chục vạn dân. Tôi còn nhớ khi ấy tất cả những ai biết lái xe, dù lúc đó ở bất cứ bộ phận nào cũng được huy động đến Thị xã Nhom-Ma-Rát và Thà Khẹt để chở chiến lợi phẩm ra ngoài băng ngay những chiếc xe tải ta chiếm được. Chiến dịch này ta đã huy động tới 5 vạn dân công từ Nghệ An trở vào để phục vụ.
 

Sau khi ta đã giải phóng Ba-Na-Phào thì bệnh viện chúng tôi tiến lên triển khai tại đó. Chiến thắng lớn, nhưng bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống và bao làng bản tan hoang, những biệt thự chỏng chơ đổ nát. Những thương binh liệt sĩ đưa từ hỏa tuyến về bệnh viện thật vô cùng vất vả. Anh chị em dân công đã phát huy sáng kiến đặt các đồng chí đã hy sinh, thương binh nặng lên võng buộc chặt lại, người đi trước nâng cáng lên vai, người đi sau hạ cáng xuống ngang hông rồi cả hai ngồi bệt xuống, mặc cho trôi xuống dưới chân dốc. Có đồng chí đi tải thương cũng bị hy sinh vì phi pháo địch, nhưng mỗi đồng chí hy sinh được mồ yên mả đẹp, mỗi thương binh về được đến bệnh viện an toàn đều là nguồn động viên mọi người thêm hăng hái, phấn khởi như đã trao nhau một chút ân tình.Tình đồng chí, đồng đội càng thêm thấm đượm. Sau những giọt nước mắt là những nụ cười. Sau nụ cười là niềm tin chiến thắng. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” đối với người bạn đời của tôi cũng khá ly kỳ không kém phần thú vị và hấp dẫn. Cô (miền Trung gọi là o) Cao Thị Nhu ở Nho Lâm, huyện Diễn Châu, xứ Nghệ, vào Thiếu sinh quân làm liên lạc cho Trung đoàn Bình-Trị-Thiên năm 1949 khi o mới 13 tuổi. Sau đó được chuyển sang làm lính “hỏa đầu quân” của đại đội “Bà Khăm đi” (bộ đội Neo Lào Hắc sạt) chiến đấu ở Noọng Hét, Bản Ban, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng       Sau vài lần bị thương ởlưng và 2 cẳng chân, điều trị khỏi, o đượcgiữ lại Đội điều trị Sư đoàn 304 phục vụ thương bệnh binh ở bên nước bạn Lào.Tuy còn nhỏ tuổi và bé nhất trong sưđoàn nhưng thành tích công tác phục vụ cứu chữa thương bệnh binh thì chẳng hềthua kém bất cứ một ông anh bà chị nàovà o đã được bầu là Chiến sĩ Thi đua củaSư đoàn, của Quân khu 4, được đi báocáo thành tích ở nhiều đơn vị trong quân khu, được nêu gương trên báo của Quânkhu 4 và trên báo Quân Đội Nhân dân,được tặng kỷ niệm chương kháng chiếncủa nước Lào. Trong 2 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất bạn, o Nhucòn có một kỷ niệm mãi mãi in sâu trong trái tim o về mẹ. Từ khi bước chân vào bộđội là biệt tin luôn, chẳng hề có thư từgửi về, khiến mẹ ngày đêm lo lắng, dò hỏikhắp nơi mới hay con gái mẹ đang chiếnđấu ở Lào, mẹ đã không quản tuổi giàvất vả, đường xá xa xôi, với bao mối hiểmnguy rình rập trong thời chiến, khăn góilên đường từ Diễn Châu ngược đường Số 7 sang Lào tìm con suốt 3 tháng ròngmới thấy. Ấy vậy mà hại mẹ con cũng chỉ tâm sự được với nhau 2,3 tiếng đồng hồ là phải chia tay đế con kịp theo đơn vị, còn mẹ lại lủi thủi ra về trong nỗi thương nhớ con vô hạn. Mãi đến cuối năm 1953 o được về học y tá rồi công tác ở Bệnh viện K43 (tiền thân của Bệnh viện Quân khu 4 bây giờ) đóng ở Thanh Chương, lúc này o mới có điều kiện về thăm mẹ và gia đình. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” với anh bạn cùng khóa bác sĩ Yđ, Nguyễn Thanh Lạng người Quảng Bình quả là một trường hợp rất đặc biệt, chí ít cũng là với những người lính quân y chúng tôi. Anh là một trong số những người y tá tình nguyện sang chiến đấu ở Lào từ đầu năm 1950 cho mãi đến năm 1962 mới được về Việt Nam học lớp bác sĩ Yđ. Lớp học còn 3 tháng nữa kết thúc, nhưng do tình hình chiến trường đòi hỏi cấp bách, cấp trên gọi anh lên hỏi ý kiến, anh đã trả lời dứt khoát: “Đâu Đảng cần là tôi đi!” Thế là tháng 8-1965 anh khoác ba-lô lên đường sang “chiến trường quen thuộc” cho mãi đến tháng10-1984mới được điều về Bệnh viện 175 công tác cho tới khi về hưu sau hơn 40 năm phục vụ quân đội, trong đó có 35 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất nước Triệu Voi. Chúng ta hãy để ra dăm phút đọc một đoạn thư anh viết cho tôi nói về quãng thời gian ngắn (6 năm) anh và Hà y tá công tác trong vùng địch hậu Viêng Chăn để chúng ta cùng suy ngẫm:

... Từ năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, cách mạng Lào trong những năm ấy cũng gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tập trung đánh phá bằng mọi thủ đoạn thâm độc tàn bạo nhất để giành dân. Đế quốc Mỹ còn bỏ tiền của và vũ khí nuôi dưỡng, xây dụng hang ổ cho bọn phỉ Vàng-Pao ở vùng rừng núi hiểm trở Sảm-Thông, Long-Chẹng để quấy phá cách mạng Lào. Tổ công tác của chúng tôi phải phân tán lẻ hoạt động trong địch hậu Viêng Chăn suốt 6 năm trời, khó khăn, gian khổ và căng thăng vô cùng. Chẳng biết sống chết lúc nào, và chết theo kiểu gì nữa...? “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” với anh Ngô Đình Quỳ bạn đồng môn y sĩ khóa 6 và bác sĩ khóa Yđ chúng tôi lại hơi khác một chút. Anh cũng trưởng thành lên từ thời kỳ đầu chống Pháp đến chống Mỹ. Qua bao năm gian khổ, thiếu thốn và bệnh tật vì vậy sức khỏe của anh giảm sút rất nhiều nên cấp trên điều anh về làm trưởng phòng chống sốt rét của viện vệ sinh dịch tễ, Cục Quân y. Chiến tranh biên giới phía Tây nổ ra. Quân đội ta đã đánh trả, sau đó tràn qua biên giới giúp bạn xóa nạn diệt chủng, đánh đuổi bọn Khơ me đỏ chạy bán sới tới tận giáp biên giới Thái Lan. Do rừng núi hiểm trở, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, bộ đội bị mẳc bệnh sốt rét rất nhiều trong đó có nhiều người bị sốt rét ác tính dẫn đến tử vong cao. Bộ chỉ huy mặt trận K yêu cầu Cục Quân y cử chuyên viên chống sốt rét sang chỉ đạo cách phòng chống và điều trị giúp. Mặc dầu sức khỏe kém vì anh cũng vừa qua trận ốm nặng ở bệnh viện ra, song tình yêu thương đồng đội của anh đã thắng. Anh tha thiết đề nghị cấp trên cho anh đi sang giúp bạn. Anh đến trung đoàn 14, sư đoàn 339 Mặt trận 979 là nơi có trọng điểm sốt rét của chiến trường Campuchia. Trung tá Ngô Đình Quỳ đã trực tiếp lên tận các điểm chốt tiền tiêu tìm hiểu, nghiên cứu và đề ra những biện pháp phòng chống
sốt rết có hiệu quả cho bộ đội. Qua thời gian lăn lộn tích cực ngày đêm cùng các bạn đồng nghiệp đã đấy lùi được bệnh sốt rét ở chiến trường K. Nhưng, dao sắc không gọt được chuôi, chính anh cũng bị sốt rét ác tính đái ra huyết cầu tố rất nặng, mặc dù đã được các bạn đồng nghiệp chạy chữa hết sức tận tình nhưng anh vẫn mãi mãi ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn của gia đình, bè bạn và đồng đội. Anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25-1-1985.

“Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” hơn 60 năm đã trôi qua, Quân đội ta cũng đã bước vào tuổi 70 dồi dào sinh lực. Những người lính Cụ Hồ và những thầy thuốc Cụ Hồ chúng tôi rất tự hào và vinh dự đã đóng góp bao trí lực, thậm chí cả máu xương và mạng sống của mình tạo nên kỳ tích của ngành y trong ba cuộc chiến tranh thần thánh, góp phần vào chiến công chung to lớn vô cùng hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Vợ chồng tôi đã qua cái tuổi “Cổ lai hy” hàng chục năm, mỗi khi nhớ lại tuổi thanh xuân phơi phới của mình, chúng tôi lại bùi ngùi xúc động, nhớ về bao đồng đội, đồng chí và đồng nghiệp thân thương trong  đó  có nhiều người đã ra đi vĩnh viễn, nhớ về bao miền quê đã đi qua, nhớ bao mẹ già, em bé Việt Nam cũng như Lào, Miên mà chúng tôi đã từng tiếp xúc... Những giọt nước mắt tuổi già cứ vô tình rơi xuôi như đời mình trượt vào năm tháng. Hôm nay, tiếng hát “Hành quân xa” của những người đồng đội lại đánh thức chúng tôi, không bao giờ có thể quên câu hát “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” và vẫn còn luôn nung nấu quyết tâm đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần, đến bất cứ nơi nào nếu như lại có giặc đến xâm lăng.

Chúng tôi lặng đi trong giai điệu “Hành quân xa” hùng tráng.

Đại tá, BS Tạ Lưu

Nguyên Y tá trưởng Tổng khoa Ngoại
          Viện Quân y 108

Chia sẻ