Da liễu dị ứng mảnh đất vàng cần đào sâu nghiên cứu

  10:06 AM 29/04/2021
Công tác trong ngành quân y gần 50 năm, tốt nghiệp bác sĩ nội trú 1978, đúng lúc xảy ra chiến tranh biên giới phía Nam, tôi được về công tác tại Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau 8 năm ở chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc, ngày 18/6/1986 tôi được về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và làm việc tại Khoa Da liễu-Dị ứng cho đến bây giờ. Đối với tôi được về công tác tại Bệnh viện TWQĐ 108 là một cơ hội rất tốt để phấn đấu, tu dưỡng và học tập nâng cao năng lực mọi mặt, đặc biệt là chuyên môn về chuyên ngành da liễu-dị ứng. Mặc dù, ban đầu được phân vào Khoa Da liễu, tôi có chút buồn vì không phải chuyên ngành mình thích. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó tôi nhận thấy chuyên ngành da liễu là một chuyên ngành rất lý thú, có rất nhiều mặt bệnh vừa ngoại khoa vừa nội khoa và đa số bệnh sinh, bệnh học đều chưa rõ ràng. Đây là một chuyên ngành còn nhiều điều để tìm hiểu, nghiên cứu phát triển.

Tập thể CBNV Khoa Da liễu với CNK Đặng Văn Em

 

Qua những tài liệu và lời kể của các thầy cô đi trước, đặc biệt là GS. Nguyễn Xuân Hiền - Chủ nhiệm Khoa Da liễu đầu tiên, tôi được biết Khoa được thành lập ngày 20 tháng 3 năm 1957, lúc đó cán bộ nhân viên chỉ có 01 BS Nguyễn Xuân Hiền (sau này là GS) cùng 3 y sĩ và 2 y công, khả năng thu dung từ 10-15 bệnh nhân nội trú. Cũng giống như những khoa khác, mới đầu, Khoa Da liễu chưa phát triển được mạnh mẽ, sau này theo xu thế phát triển chung của Bệnh viện cũng như sự động viên, giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện qua các thời kỳ, ngành da liễu cũng được đầu tư và dần phát triển.

 

Khi các mặt bệnh xã hội càng nhiều thì các bệnh da liễu có xu hướng tăng theo. Tổng kết 10 năm của Khoa Da liễuDị ứng (2000-2010), có 78 mặt bệnh điều trị tại Khoa. Đó cũng là tiền đề để chuyên ngành Da liễu-Dị ứng phát triển về mọi mặt. Số lượng thu dung điều trị từ những năm đầu thành lập Khoa chỉ 250-300 bệnh nhân/năm, đã tăng dần lên 600-800 bệnh nhân/năm (của những năm 1990) và hiện nay là 1300-1500 bệnh nhân/năm. Chất lượng điều trị ngày một nâng cao, đặc biệt là các bệnh khó, nặng và hiện nay là địa chỉ tin cậy cho người bệnh trong và ngoài quân đội về bệnh vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh trứng cá, rụng tóc...Khoa đã tích cực nghiên cứu khoa học với 03 đề tài cấp Bộ Quốc phòng: - Ứng dụng quang hóa trị liệu bằng dược học dân tộc (hạt đậu miêu) phối hợp với chiếu tia cực tím điều trị bệnh vảy nến, bạch biến và trụi tóc - Chủ nhiệm là BSCKII Nguyễn Thái Điềm.

 

- Nghiên cứu tác dụng điều trị của kem Lô Hội (AL-04) đối với bệnh vảy nến thông thường do PGS.TS Đặng Văn Em là Chủ nhiệm đề tài, nghiệm thu tháng 4/2006 đạt xuất sắc.

 

- Hoàn thiện quy trình bào chế, đánh giá độ an toàn và hiệu lực của kem Lô Hội AL-04 đối với bệnh vảy nến thông thường do PGS.TS Đặng Văn Em - Chủ nhiệm đề tài, nghiệm thu tháng 12/2009 đạt loại khá. Sản phẩm kem Lô hội được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế.

 

Đã thực hiện nghiên cứu rất nhiều đề tài cấp cơ sở, đã công bố hơn 300 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước.

 

Ngoài ra, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và sự cố gắng phấn đấu của đội ngũ bác sĩ trong Khoa, ngày 4 tháng 6 năm 2014, Bộ Giáo dục và đào tạo đã quyết định đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Da liễu tại Viện NCKH Y Dược lâm sàng 108 và ngày 24/6/2014 Bộ môn Da liễu được thành lập là địa chỉ thứ 2 toàn quốc được đào tạo bậc Tiến sĩ chuyên ngành Da liễu.

 

Từ ngày thành lập đến nay, Bộ môn đã có 5 khóa NCS với 16 NCS khắp cả 3 miền về học cả trong và ngoài quân đội. Đến nay đã có 2 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 2 NCS đã bảo vệ cấp bộ môn và năm 2020 dự kiến có 5 NCS sẽ bảo vệ. Đó là sự cố gắng rất lớn của các bác sĩ vừa làm bác sĩ điều trị vừa làm thầy giáo góp phần đào tạo các nòng cốt cho chuyên ngành Da liễu. Bản thân tôi đã gần 50 năm tuổi quân, với 42 năm tuổi nghề và 34 năm làm trong ngành da liễu-dị ứng, tôi tâm đắc rằng đã là bác sĩ thì phấn đấu trở thành bác sĩ giỏi, muốn trở thành bác sĩ giỏi đầu tiên phải yêu nghề và say mê. Một đơn thuốc tốt thì phải đặt bệnh nhân là người thân của mình, và đơn thuốc phải đạt 3 nhất: hiệu quả nhất, liều thấp nhất, an toàn nhất.

 

Hiện nay, chuyên ngành Da liễu-Dị ứng của Bệnh viện TWQĐ 108 đã có một bước phát triển lớn, Khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành giàu kinh nghiệm, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa 2, chuyên khoa 1 và một đội ngũ điều dưỡng được đào tạo đại học, cao đẳng. Tôi tin rằng chuyên ngành này sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai nhờ vào sự nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân viên của Khoa, Bộ môn, đồng thời nhờ vào sự tạo điều kiện, giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện.

 

Đại tá PGS.TS.TTND Đặng Văn Em-Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu-Dị ứng,

Viện Nghiên cứu Khoa học Y Dược lâm sàng 108 kể

Mai Hằng ghi

 

Chia sẻ