Con gái Bộ trưởng xung phong vào chiến trường

  02:52 PM 28/08/2020
“Lá ngọc cành vàng” là từ để ví con cháu vua chúa và nhà quyền quí trong xã hội thời trước. Thời hiện đại, thậm chí thời Cách mạng, con cháu các “quan to”, cỡ như Bộ trưởng trở lên, cũng được ví như “Lá ngọc cành vàng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù đã ăn sâu trong tâm trí một thế hệ thanh niên nước ta, thôi thúc lớp lớp tuổi trẻ lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong số hàng vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ, đi TNXP ra tiền tuyến, hoặc trên trận địa chống chiến tranh phá hoại của máy bay, tàu chiến Mỹ ở miền Bắc ấy, có không ít những “lá ngọc cành vàng”, con cái của những cán bộ cao cấp Một trong những “lá ngọc cành vàng”

của Đảng và Nhà nước. Sự xuất hiện của họ trên trận tuyến, cũng bộ quần áo bộ đội, TNXP, cũng ba lô con cóc, súng đạn, cuốc xẻng, đã xóa đi cái ấn tượng cho rằng họ chỉ là … “lá ngọc cành vàng”, được nuông chiều không biết làm gì.

Một trong những “lá ngọc cành vàng” tỏa sáng nơi tiền tuyến ấy có Nguyễn Kim Nữ Hiếu - con gái của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Không những thế, chị là người con gái Bộ trưởng đầu tiên tình nguyện vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Nguyễn Kim Nữ Hiếu sinh năm 1942 là con gái thứ ba trong 4 người con của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Nhà bác học tài ba Nguyễn Văn Huyên, có chú là Giáo sư danh tiếng Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Hà Nội, có anh họ là Giáo sư nổi tiếng Tôn Thất Tùng. Ngay từ nhỏ, Nữ Hiếu đã nhận được sự quan tâm chăm lo của Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều Bộ trưởng khác. Năm 11 tuổi, trước khi Nữ Hiếu đi học trường Thiếu sinh quân tại Trường Thiếu nhi Việt Nam bên Quế Lâm (Trung Quốc), trước ngày lên đường, Nữ Hiếu đã nhận được quà tặng của Bác Hồ - Người gửi cho cô bé sữa uống và mảnh vải ka ki màu vàng để may áo sang Trung Quốc học. Song, chưa bao giờ Nữ Hiếu ỷ thế để đòi hỏi cho riêng mình điều gì khác người và hơn người. Từ một cô bé bị lao xương bó bột, cô tự rèn luyện, năm 1960 trở thành một trong số vận động viên đầu tiên của Đội tầu lượn Thủ đô. Tốt nghiệp cấp III (nay là Trung học phổ thông), với học lực giỏi, không cần cậy thần cậy thế, chị có thể ngẩng cao đầu trên giảng đường của bất cứ trường đại học danh tiếng nào trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng chị đã chọn thi vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội - một trường danh tiếng (“Nhất y, nhì dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm,…” như sự bình phẩm, đánh giá không chính thức của xã hội thời ấy) chỉ với một suy nghĩ đơn giản, là bởi “mang ơn các bác sĩ”, muốn học nghề y “theo anh Tôn Thất Tùng chăm sóc sức khỏe cứu người”.

Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhận bằng Bác sĩ năm 1965, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ ác liệt, đế quốc Mỹ đã mang máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc. Nhận tấm bằng Bác sĩ loại ưu, với học lực và thân thế của mình, chị được nhiều người khuyên đi học thêm ở nước ngoài. Song, chị không chọn con đường đó. Chị cũng không nhờ cậy, không chọn cho mình một chỗ làm việc tốt ở Thủ đô để được gần gia đình. Chị … xung phong đi bộ đội. Gia đình Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên không mấy ngạc nhiên trước quyết định này của con gái. Nữ Hiếu rất yên tâm khi được bố, mẹ và gia đình vui lòng trước quyết định của mình “quân đội cần, thì con cứ đi”.Ngày 24 tháng 5 năm 1965, là một ngày không thể quên trong cuộc đời nữ Bác sĩ trẻ Nữ Hiếu. Cùng 14 nữ bác sĩ trẻ trong số 100 bạn cùng học, chị đã được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh của Quân đội nhân dân Việt Nam, thực sự hòa mình trong phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,…của tuổi trẻ miền Bắc lúc ấy. Lãnh đạo Cục Quân y biết Nữ Hiếu là con gái Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, đã sắp xếp cho chị về làm việc ở Hà Nội. Các đồng chí ở bên Không quân, biết Nữ Hiếu khi còn là học sinh đã tham gia Câu lạc bộ Thể thao hàng không, cũng đồng ý nhận chị vào quân y quân chủng. Song, chị một mực xin được trực tiếp phục vụ bộ đội ở chiến trường. Cuối cùng, Hiếu cùng 7 đồng nghiệp được phân công về Viện Quân y 9 đóng tại Vĩnh Phú và trực tiếp làm chuyên môn tại khoa chấn thương.

Năm sau, Nữ Hiếu được điều về làm việc tại Đội điều trị đặc biệt số 11 đặt tại Viện Quân y 108 với nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Quân đội là một trường học lớn cho mọi tầng lớp thanh niên. Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã kinh qua nhiều nhiệm vụ chuyên môn, đã trưởng thành qua bao thử thách. Trong

5 năm liền chị đều được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Cùng với niềm vui về sự nghiệp, chị cũng đạt được hạnh phúc riêng của đời mình. Trong những ngày phục vụ quân đội, chị đã gặp được “một nửa” của mình và xây dựng hạnh phúc với giảng viên trẻ Nguyễn Lân Dũng ở Khoa Sinh - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (anh là con của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, sau này anh là Giáo sư, Tiến sĩ, đại biểu Quốc hội, một nhà sinh học đã dành nhiều tâm huyết đưa các thành tựu tiến bộ của khoa học phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn nước ta). Anh thường đến Viện quân y 108 thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chữa bệnh cho bộ đội. Bố mẹ cả hai gia đình là chỗ thân quen, đồng đội là ông tơ bà nguyệt, và hai người đã tổ chức lễ cưới vào tháng 10 năm 1971.

Sang năm 1972, công cuộc giải phóng miền Nam bước sang giai đoạn phản công, đánh địch ở mọi chiến trường. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ càng gần thắng lợi, càng đòi hỏi miền Bắc chi viện sức người sức của lớn hơn nữa cho miền Nam. Chủ trương của quân đội ta là phải điều trị tốt cho thương bệnh binh để các anh sớm trở lại đơn vị chiến đấu, đồng thời hạn chế việc chuyển thương bệnh binh về tuyến sau hoặc đưa ra miền Bắc điều trị. Thấm nhuần quan điểm đó, đầu năm 1972 Viện quân y 108 tổ chức một đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật giỏi để chuẩn bị cho chiến trường. Đoàn được mang tên Đoàn 730B do BS. Nguyễn Huy Phan phụ trách. Nguyễn Kim Nữ Hiếu nằng nặc xin được tham gia Đoàn 730B vào chiến trường. Nghe tin Nữ Hiếu xung phong đi B, gia đình ai cũng băn khoăn. Bố mẹ chị không ngạc nhiên lắm vì quyết định này của con, song không khỏi lo lắng vì lúc bé, cô bị lao xương bó bột, tuy đã khỏi nhưng làm sao có đủ sức để vượt 9 cung đường Trường Sơn trong điều kiện mang vác nặng, lại phải lo đối phó với máy bay Mỹ ném bom bắn phá?

Lo lắng vì cô mới xây dựng gia đình được 3 tháng, ra trận là đối mặt với bom đạn, Nữ Hiếu bé bỏng sẽ xoay sở ra sao? Đấy là cả gia đình chưa biết lúc ấy chị đang mang bầu đứa con trai đầu lòng được 3 tháng. Bởi, như sau này chị kể, chị đã cố tình giấu mọi người tin vui này để được ra mặt trận. Trong khi cả nhà băn khoăn lo lắng thì chị lại hăng hái xông pha, chỉ với một ý nghĩ đi chiến trường, tuy gian khổ đấy nhưng là dịp hiếm có để rèn luyện và cống hiến. Quyết định của chị được anh Nguyễn Lân Dũng chồng chị động viên khích lệ.

Một sáng tháng giêng năm 1972, Nữ Hiếu nhận quyết định “về đơn vị bàn giao ngay công tác trong ngày hôm nay để chuẩn bị đi chiến trường”. Nữ Hiếu được biên chế vào Đội 730B. Nhận tin hôm trước, hôm sau nhận nhiệm vụ ngay. Được ra chiến trường, đó là niềm mong đợi của tất cả các chiến sĩ. Hiếu rất mừng, song lại có phần lo lắng. Tuần lễ trước sang Bệnh viện C (Bệnh viện bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh) làm xét nghiệm kiểm tra, Hiếu biết mình đã có thai. Hiếu giấu đơn vị, vì không muốn bỏ qua cơ hội. Trong khi chờ lên đường, hằng ngày, cả đội tập luyện hành quân trên bờ đê và bãi cát sông Hồng ngay phía trước Viện Quân y 108. Tập sử dụng vũ khí, tập đi bộ với ba lô đựng gạch trên vai, cùng các trang bị của cá nhân. Tập luyện được một tháng cả đoàn được lệnh lên đường vào ngày 3/2/1972. Từ sáng sớm, Bố Huyên, chú Di, mẹ và các anh chị, các cháu và tất cả đông đủ gia đình đã có mặt ở nhà. Bố Huyên dặn cả nhà không ai được khóc để không làm cho Hiếu buồn. Ngày hôm ấy, Bà Vũ Kim Ngọc, người mẹ thân yêu của Hiếu đã viết trong nhật ký: “Ngày 3-2-1972. Hôm nay Hiếu lên đường đi B thực rồi, đi đánh Mỹ thực rồi. Một tháng trôi qua, hôm con về báo tin cho mẹ biết con sẽ đi B tuần lễ sau. Thời gian ngắn quá, làm cho mẹ nao nao cả người con ạ! Nửa mừng, nửa lo. Mừng cho con, là một thanh niên rất nhiệt tình với cách mạng, với đồng bào miền Nam hàng giờ, hàng ngày chống chọi với giặc Mỹ và nguỵ. Nay được vào cùng san sẻ gian nan với mọi người để xứng đáng với thế hệ. Cái đó lớn lắm, phải có ý chí quyết tâm mới có thể làm tròn được nhiệm vụ mới này. Mẹ thấy con rất cứng rắn và đúng mức trong vấn đề quyết định đi chuyến này. Vì vậy mẹ rất tin tưởng con sẽ đạt được những gì con mong muốn. Nhưng Hiếu ơi, mẹ vô cùng thương Hiếu và lo cho Hiếu vô cùng, sức bé nhỏ của con có vượt qua được gian khổ không? Thương con vừa mới cưới, mới quen hơi bén tiếng lại phải xa nhau. Mẹ biết nói gì, con nhỉ? Chỉ thương nhớ con, lo cho con thôi”.

Sau phút chia tay với gia đình, chỉ có mẹ và anh Dũng đến địa điểm tập trung để tiễn Hiếu. Toàn đoàn đã hành quân lên đường lúc 7 giờ 5 phút ngày 3/2/1971 trong không khí phấn khởi và bịn rịn lưu luyến. Đoàn gồm 22 đồng chí, có một chi bộ với 7 đảng viên và một chi đoàn TNCS gồm 10 đoàn viên do đồng chí Đỗ Văn Thuý là bí thư chi đoàn, Nữ Hiếu là phó bí thư Chi đoàn. Tổ chức Đoàn được sinh hoạt đều đặn, có kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu rất rõ ràng. Chiều tối ngày 3-2 đoàn tới Nghệ An, ngày 7-2 đến Vĩnh Linh rồi từ đây trèo đèo cao, lội suối sâu, trời mưa, đường trơn để đến địa điểm đóng quân.

Vượt Trường Sơn bằng đôi chân, đối với các chiến sĩ bộ đội nam đã là một khó khăn, thử thách lớn. Đối với các nữ chiến sĩ bình thường lại càng khó khăn, gian khổ hơn. Vì vậy, không nói, ta cũng biết với cái thai 3 tháng trong bụng, Nữ Hiếu đã phải khó khăn, vất vả thế nào trên đường hành quân dưới bom đạn địch. Nhiều chặng Hiếu và y tá Quỳnh không theo nổi đồng đội. Đoàn trưởng Phan yêu cầu hai người ở lại, Hiếu và Quỳnh không chịu, BS. Phan phải giải thích: “Nếu các đồng chí cứ đi, dọc đường các đồng chí mệt không theo kịp thì tốc độ hành quân của đoàn không đảm bảo đúng kế hoạch mà chậm lại, bị địch ném bom thì có hại cho công việc chung của quân đội”. Hiếu và Quỳnh phải chấp nhận ở lại tại binh trạm. Đã đi là phải đến. Điều quyết tâm đã đặt ra khi còn ở Hà Nội phải được thực hiện. Hiếu và Quỳnh nghĩ thế. Ngay tối hôm đó hai chị em đã báo cáo với đồng chí lãnh đạo Cụm: Vì không quen leo dốc nên xin tạm nghỉ lại, xin được theo chân các đoàn sau để kịp tham gia phục vụ. Từ hôm đó hai chị em chăm tập luyện, leo lên dốc cao rồi nhìn xuống cho quen khỏi bị chóng mặt. Ba hôm sau, có đoàn vào phía trong đến đón Hiếu và Quỳnh cùng đi. Đồng chí Đoàn trưởng nói: “Chúng tôi đến đón hai chị ra Bắc” Hiếu, Quỳnh trả lời: Không! “Chúng tôi hỏi thử thế, nếu các chị đã quyết tâm thì đi với chúng tôi”. Cuộc hành quân lại tiếp tục với những dốc cao thẳng đứng, mỗi ngày là một cung đường, mỗi khi nghỉ lại mọi người phải đào hầm, trải lá cây để ngủ.

Đơn vị 730B cho Bí thư chi đoàn Đỗ Thuý ra đón. Nhật ký của Đỗ Thuý viết: “Ngày 2-3-72 (Thứ 5). Hôm nay hai đồng chí Hiếu, Quỳnh lại đi tiếp để vượt đường tăng tới đích, vẫn đi với khí thế hướng về chiến trường, hướng về nơi có tiếng súng. Hai đồng chí ra đi với tất cả niềm tin của mình, với mong muốn chóng được đến đơn vị để phục vụ”.

Và rồi, Nữ Hiếu cũng đã tới bệnh viện dã chiến của đơn vị chi viện. Vừa đặt ba lô, Hiếu đã được mời đi hội chẩn ngay. Có một bệnh nhân nữ, chị Thành là công nhân phục vụ chiến trường, bị hôn mê sâu, sức khoẻ suy giảm nặng. Hiếu khám và đưa ra chẩn đoán của mình: Bệnh nhân bị sốt ác tính thể não. Chị đã cùng đồng đội điều trị tích cực cả về thuốc và chăm sóc theo chẩn đoán đó. Sau 10 ngày bệnh nhân tỉnh táo, sức khoẻ hồi phục. Hiếu đã cùng đồng đội có nhiều thành công trong những ca bệnh nặng khác.

Những ngày tháng ở chiến trường, Hiếu đã làm việc với tinh thần đầu tầu của người đoàn viên, xứng đáng với sự tín nhiệm của anh chị em trên cương vị phó bí thư chi đoàn. Cũng như mọi người, Hiếu cũng phải tự đào hầm trú ẩn, thỉnh thoảng đi xa gùi lấy gạo và thực phẩm để ăn hàng tháng. Còn làm chuyên môn thì vừa là bác sĩ, vừa làm y tá và thêm cả phần săn sóc bệnh nhân. Hiếu được Tư lệnh mặt trận khen thưởng, được báo Quân giải phóng Trị Thiên, Đài Tiếng nói Việt Nam viết bài nêu gương “Người tốt, việc tốt”.

Tháng ngày gian khổ nơi mặt trận đã không cản được ý chí và nghị lực của bác sĩ quân y Nữ Hiếu. Nhưng cùng với tháng ngày, bầu thai của chị cũng lớn lên từng ngày. Không thể để Nữ Hiếu sinh nở dưới bom đạn tuyến lửa như vậy, cấp trên quyết định chị phải về hậu phương. Trung tuần tháng 4-1972, Nữ Hiếu nhận lệnh đi bảo vệ sức khỏe cho một cán bộ cao cấp ra Bắc. Nhật ký của Bí thư chi đoàn Đỗ Thuý viết: “17- 4 - 72. Vì điều kiện sức khoẻ, đồng chí Nguyễn Kim Nữ Hiếu, uỷ viên BCHĐ phải về hậu phương công tác. Khi chia tay đồng chí Hiếu rất cảm động với sự quan tâm của Chi đoàn và đồng chí rất tiếc là không được cùng chi đoàn làm nhiệm vụ tới ngày trở về.

Nhớ lại những ngày leo dốc Trường Sơn ấy, sau này chị kể: “ 9 cung đường hành quân ra trận đối với tôi rất gian nan vất vả. Ngay từ cung thứ nhất, tôi đã ốm nghén, miệng nôn thốc nôn tháo, chân tay mỏi rã rời. Vậy mà vẫn phải bám đoàn quân vượt rừng, vượt đèo dốc. Lúc đầu chỉ huy đơn vị không biết tôi có nghén cứ nghĩ tôi sức khỏe kém, định đưa tôi về tuyến sau. Tôi không chỉ năn nỉ chỉ huy để được tiếp tục hành quân, mà còn luôn cố gắng vượt lên hòa nhập vào đoàn quân. Vì thế tôi vẫn vào được chiến trường. Bệnh viện dã chiến nơi tôi đặt chân tới nằm giữa một cánh rừng đại ngàn, máy bay trinh sát OV10 và C 130 của Mỹ luôn vè vè nhòm ngó. Vừa đặt ba lô xuống đã tức tốc phải đào hầm, làm nơi ở và nơi cứu chữa thương binh. Cuộc sống chiến trường ngày càng gian khổ và ác liệt, dưới cánh rừng đại ngàn chỉ một sơ suất gây khả nghi là máy bay Mỹ tới ném bom oanh tạc, vậy mà thương binh chuyển về trạm ngày càng nhiều. Thiếu nhân viên phục vụ, tôi phải làm thêm cả công việc của hộ lý, y tá, đêm ngày bám sát thương binh, xử lý kịp thời các tình huống, giành giật từng giây sự sống, hạn chế mất mát tàn phế cho đồng đội”.

Trở lại Quân y viện 108, Nữ Hiếu lại tiếp tục làm tốt các công tác được giao và không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Chị được điều động phụ trách các khoa khác nhau trong viện, ở khoa nào Hiếu cũng được bầu là chiến sĩ thi đua. Năm 1975 bác sĩ Nữ Hiếu được kết nạp Đảng. Từ năm 1990 đến năm 2000, chị là Phó Giám đốc Quân y viện 108, với quân hàm Đại tá (1995), Uỷ viên Hội đồng Y học quân sự Bộ Quốc phòng. Năm 1995, Đại tá Nữ Hiếu bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Năm 2001, chị được công nhận chức danh Phó giáo sư.

Hơn 35 năm trong nghề y, từ cương vị là bác sĩ điều trị cho đến khi làm Phó Giám đốc bệnh viện lớn nhất của quân đội, trên cương vị nào Bác sĩ Nữ Hiếu cũng cống hiến không mệt mỏi để chăm sóc sức khỏe bộ đội. Ghi nhận những đóng góp của chị cho quân đội và đất nước, Chị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng I, II, III, Huân chương Chiến công Hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và nhiều Huy chương khác. Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2005) là phần thưởng quý giá nhất cho chị. Bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu thật xứng đáng với truyền thống của gia đình, xứng đáng với sự tin cậy của quân đội, sự cảm phục của các chiến sĩ./.

Trương Nguyễn, Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam

Chia sẻ