Gửi câu hỏi

Trả lời:

Đau quặn thận xảy ra khi các viên sỏi trên thận di chuyển xuống làm tắc một phần của đường tiết niệu gây tăng áp lực trong hệ thống đài - bể thận một cách đột ngột. Đường tiết niệu bao gồm hệ thống đài - bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Sỏi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Sỏi kích thước lớn hơn sẽ gây ra đau quặn thận, đặc biệt nếu sỏi gây bít tắc bể thận hoặc niệu quản (niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống đến bàng quang).

Các triệu chứng đau quặn thận gồm
:

- Đau dữ dội ở vùng sườn, thắt lưng, dưới xương sườn 12 phía bên có sỏi, lan ra phía trước, hướng về phía rốn và hố chậu, có thể lan xuống măt trong đùi.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa, đi tiểu buốt, rắt, có thể tiểu ra máu.
- Đau quặn thận thành cơn, có thể kéo dài từ 20 đến 60 phút. 

Sỏi có thể có ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu do các chất khoáng có trong nước tiểu như canxi, oxalat và acid uric…gắn kết lại với nhau tạo ra các tinh thể rắn lớn dần lên để hình thành sỏi. Các viên sỏi có thể nhỏ như hạt cát (<1mm) hoặc lớn (>20 mm) trông như củ gừng trong sỏi thận san hô. Tùy thuộc vào sỏi gây bít tắc một phần hay hoàn toàn đường dẫn niệu sẽ gây đau âm ỉ hay đau cấp tính vùng thận.


TS. Trần Các