Biến chứng bỏ quên “stent jj” niệu quản sau 5 năm

  10:47 AM 26/02/2019
Trước đó, Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị T (25 tuổi, Hà Nội) với tiền sử bị sỏi niệu quản bên trái đã 5 năm và đã được tán sỏi trước khi vào viện. Bệnh nhân có biểu hiện đái rắt, đái buốt…trong thời gian dài.

Sau khi nhập viện siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã phát hiện có 1 stent jj (stent jj là một ống rỗng bằng nhựa dẻo được thiết kế đặc biệt để đặt vào niệu quản. Niệu quản là ống tự nhiên dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Chiều dài của các stent dùng cho bệnh nhân người lớn thay đổi từ 24 đến 30 cm. Có nhiều kiểu stent, và một số những khác biệt giữa chúng giúp các stent có thể đem lại những lợi ích khác nhau tùy theo từng tình huống lâm sàng) bị gãy làm 3 đoạn: 1 đoạn trên thận, 2 đoạn trong bàng quang. Xung quanh stent jj có rất nhiều sỏi bám làm bệnh nhân đau buốt và mất máu, đặc biệt sỏi bàng quang với kích thước lớn hơn 3 cm.

Rất nhiều sỏi được lấy ra và stent jj bị gãy 3 đoạn

Tại khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi lấy sỏi qua da và tán sỏi bàng quang. Đây là phương pháp tiên tiến bằng ứng dụng trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện TWQĐ 108 đã rút ngắn thời gian, chi phí điều trị, bệnh nhân không phải chịu đau đớn như các phương pháp phẫu thuật khác.

Hình ảnh X-quang của bệnh nhân sau mổ 1 tháng

Sau phẫu thuật một tuần (9-16/1) bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Trần Đức Dũng - Khoa Ngoại thận tiết niệu khuyến cáo: khi bị sỏi tiết niệu, người bệnh cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên tránh để biến chứng nguy hiểm như bệnh nhân trên. Để phòng bệnh, mỗi người cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2 lít) bao gồm cả nước canh trong bữa ăn. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể càng cần được bù nước đầy đủ vì mất nhiều mồ hôi. Chú ý thực hiện việc tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường./.

An Ngọc

Chia sẻ